Chuyện thằng Tèo

Tôi đúng là bị hâm thật. Ngay lúc bài vở ngập lút đầu như rứa mà tôi lại bỏ ra tận hai ngày để ngồi viết cho xong truyện ngắn này. Khổ ghê, tôi mà đã hứng làm cái gì thì khó mà dứt ra lắm.

Cũng khá lâu rồi tôi không viết truyện, nên chắc chắn lần này có nhiều lỗi lớn nhỏ, mong mọi người thông cảm cho.

Do tôi mê phim nên lời cuối của tôi như sau: các nhân vật và sự kiện trong truyện là từ trí tưởng tượng nghèo nàn của tôi, nên bất kỳ sự giống nhau nào với người thật, việc thật hoàn toàn là ngẫu nhiên.

Giờ thì, mời các bạn đọc.

CHUYỆN THẰNG TÈO

Ngày nảy ngày nay, ở một vùng đất kia, có một ngôi làng nọ vô cùng nổi tiếng. Sự nổi tiếng đó gắn liền với những cảnh đẹp nhất của vùng đất: nào là cái hồ Sờn Đô, nào là mấy hòn đá Bát Cà. Ngôi làng này còn nổi tiếng nhờ một ngôi trường tọa lạc ở nơi được tương truyền là xuất xứ của rất nhiều vị anh hùng, thậm chí nghe đâu còn là nơi nhiều ông tiên bà tiên ở trên trời lãng đãng thăm thú thiên nhiên. Thế nên, dân làng gọi thân thương đó là trường Tiên.

Đó cũng là ngôi trường mà tôi với thằng Tèo đang cặm cụi theo học. Thằng Tèo không phải là dân ở đây, nó chỉ vừa cùng gia đình chuyển đến vài tháng trước. Tèo là một thằng nhóc đặc biệt. Ngay cái hôm vừa vào lớp tôi lần đầu, nó đã gây ấn tượng mạnh.

Chả là bữa đó, cô Tát bỗng dưng nổi hứng bắt cả lớp thuyết trình ngắn về nghề nghiệp tương lai của mình. Thằng Tâm thích làm bác sĩ, thằng Tìn khoái làm công an, con Ty mơ làm hoa hậu, thằng Tít thèm làm nhà báo. Đứa nào cũng chọn cho mình những cái nghề cao quý và sang trọng hết mức. Duy chỉ có thằng Tèo. Tuy lúc đầu có hơi ngập ngừng như thể bị choáng trước những ước mơ kỳ vĩ của tụi bạn, nó nhanh chóng lấy lại vẻ tự tin:

– Em thích làm nông nghiệp. Em thích trồng cây, nuôi tôm, nuôi cá …

Sau đó nó còn nói thêm gì đó nữa nhưng tôi lại chả nghe rõ vì lúc đó có một cơn bão âm thanh đang quét qua lớp học. Mấy đứa trong lớp cười lăn cười bò, cười toét mồm miệng, cười chảy nước mắt nước mũi. Tụi nó cười cũng phải, thời buổi này dù ở làng quê người ta cũng đua nhau làm nghề cao chức trọng của xã hội, ai lại đi mơ ước làm … nông dân. Ban đầu tôi cũng mỉm cười, nhưng thấy thằng Tèo đứng giữa lớp ngơ ngác, tôi lại thấy tội tội. Lúc nó lủi thủi đi về và ngồi xuống chỗ cạnh tôi, tôi khều nó:

– Ê mày, đừng có buồn, tụi nó cười vậy thôi chứ không có ác ý đâu.
– Buồn gì đâu.

Tèo nói nhanh rồi lại quay mặt đi, cắm cúi nhìn vào trang sách. Nó bảo không buồn chứ nhìn cái mặt bí xị của nó ai cũng nhận ra nó đang buồn chết đi được. Cái thằng xui xẻo thật, mới đi học bữa đầu đã bị cười tối tăm mặt mũi, tôi nhủ thầm. Nó làm tôi nhớ đến tôi cách đây vài năm. Cũng trong lớp học, cũng kể ước mơ, và tôi bị bảo là khùng khi mơ làm họa sĩ truyện tranh. Ngẫm nghĩ cũng thấy phải, ở cái xứ này làm họa sĩ chỉ có mà cạp đất, nhưng tôi thích vẽ quá, biết làm sao được. Giờ thằng Tèo rơi vào tình trạng y như tôi hồi đó, nên tôi thấy thương nó quá chừng.

Đến cuối giờ mà mặt mày nó vẫn chảy dài như bánh tráng nhúng nước. Thấy vậy, tôi liền rủ:

– Mày rảnh không? Đi chơi với tao.
– Đi đâu? – Nó ngước lên hỏi.
– Đi đá banh.

Nghe đến đá banh, mắt nó sáng lên. Nó vội vàng xếp nhanh sách vở vào cặp rồi giục tôi mau đưa nó tới sân. Thấy nó sốt sắng vậy, tôi cũng mừng, cười toe toét.

Thằng Tèo đực mặt ngố khi tôi dẫn nó về … nhà tôi. Chính xác hơn là tôi dẫn nó vào cái sân sau nhà tôi. Nó quay qua tôi hỏi:

– Nhà mày hả?
– Ờ.
– Về nhà mày chi? Đi đá banh mà.
– Thì đá ở đây nè.
– Mày giỡn à?
– Không.
– Cái sân bé như lỗ mũi thế này đá đấm cái gì.
– Không đá ở đây thì đá ở đâu.
– Đá ở bãi đất trống nào đó.
– Đất trống là của làng, ai cho mày đá.
– Thế à?

Tèo thở dài xuôi xị. Tôi vỗ vai nó:

– Không sao đâu, sân nhà tao dài tới sáu mét lận, đá cũng được lắm. Mày lấy dép làm gôn đi.

Tôi chỉ tay về phía một chậu cây nhỏ ở góc sân, nó liền chạy lại, lấy cặp xách và dép làm hai cột khung thành. Ở góc sân bên này, tôi cũng làm y hệt như nó.

Một vài đứa bạn hàng xóm tôi leo qua hàng rào và nhảy xuống sân. Thấy thằng Tèo, tụi nó hồ hởi lại làm quen và hào phóng cho thằng Tèo ra sân ngay hiệp đầu. Tụi tôi đá ba chọi ba. Đá được năm phút, tôi nhận ra thằng Tèo xứng đáng được gọi là ngôi sao. Nó đá kỹ thuật, lừa bóng rất dẻo, lại nhanh như sóc. Lúc nó có bóng, tiếng vỗ tay và trầm trồ vang lên không ngớt. Tôi ngồi ngoài xem nó đá mà khoái chí lắm, vì tôi có công phát hiện ra một tài năng bóng nhựa mà.

***

Tôi biết thằng Tèo mê nông nghiệp, và mê bóng đá, nhưng tôi không ngờ nó lại đam mê đến mức có một quyết định mà tôi gọi là điên rồ: nó lên gặp thầy hiệu trưởng xin thầy cho nó được sửa cái bãi ruộng ở sân sau trường thành sân bóng đá.

Cái bãi ruộng đó nằm ngay sau lưng phòng học lớp tôi, lúc nào cũng ẩm ướt, lầy lội và mốc mùi bùn sình. Mỗi lần có một cơn gió mạnh thổi qua là mỗi lần chúng tôi trải qua một cơn ác mộng. Thậm chí có một lần con Ty đã ngất xỉu giữa lớp chỉ vì không kịp đưa tay lên bịt mũi. Được chừng ba tháng, tụi tôi chịu hết nổi, cả đám xúm lại viết một lá đơn gửi thầy hiệu trưởng, xin thầy cho sửa lại cái bãi lầy đó. Nhận được lá đơn, thầy đích thân xuống lớp tôi, khuyên rằng:

– Thầy rất hiểu sự khó khăn của các em, nhưng mong các em thông cảm, thầy e là thầy không làm gì được. Trường ta còn nghèo, lại phải thường xuyên đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao đời sống của các giáo viên, nên không tìm đâu ra quỹ để thuê người sửa sang cái sân ấy đâu các em ạ. Thầy mong các em hãy cố gắng, và thầy xin hứa ngay khi trường ta dư dả về tài chính thì thầy sẽ lập tức cho sửa ngay, nha các em nha.

Nghe thầy nói, đứa nào cũng gật gù thông cảm. Tôi thấy thầy nói chí phải. Tôi biết trường mình không giàu có gì, nên nếu phải lựa chọn thì tôi rất hiểu quyết định đầu tư nâng cao đời sống giáo viên của ban giám hiệu. Các thầy cô bỏ bao nhiêu công sức và nước mắt và thời gian để dạy dỗ chúng tôi, nên dĩ nhiên lợi ích của các thầy cô phải được đặt lên trên lợi ích của học sinh chúng tôi rồi. Nghĩ lại, tôi thấy chúng tôi thật là ích kỉ hết sức, chỉ nghĩ đến cái mũi của mình mà quên mất các thầy cô.

Ngay tuần đầu tiên đi học, thằng Tèo đã phát hiện ra cái đám lầy đó. Hôm đó, sau giờ học, tán tỉnh nhỏ Tờ-ruồng chán, tôi xách cặp đi về và thấy Tèo đang đứng trầm ngâm nhìn cái sân. Tôi chạy lại và cười cười chọc nó:

– Làm gì đây? Nghẹt mũi hả?

Tèo không đáp gì. Nhìn nó đứng như tượng, tôi sốt ruột, thò tay phẩy phẩy trước mặt nó. Nó quay sang ngó tôi, rồi lại nhìn cái sân:

– Làm sân bóng đá thì hay biết mấy.
– Khùng hả?
– Chiều dài ổn, chiều rộng ổn, lại thoáng mát. Quá chuẩn.
– Ê! Ê!
– Phải sửa cái sân.

Giờ thì tôi hiểu Tèo đang nói gì. Tôi vỗ vai nó:

– Không được đâu mày ơi. Thầy hiệu trưởng bảo, trường mình nghèo, không có tiền sửa đâu.
– Tao sẽ tự làm.

Tèo nói chắc nịch rồi quay người bỏ đi. Tôi đứng chết trân nhìn theo nó: thằng này não phẳng rồi!

Ngày hôm sau, nó thực hiện ngay quyết định điên rồ của mình. Rất bất ngờ, thầy hiệu trưởng đồng ý cho nó làm, với điều kiện nó phải tự lo lấy chi phí. Tèo gật đầu ngay tắp lự, và suốt buổi học hôm đó, nó ngồi trong lớp mà đầu óc có lẽ đang đi du lịch ở cái bãi lầy. Chưa bao giờ tôi thấy nó vui như thế.

Thế rồi, cứ sau giờ học là Tèo xách cuốc xẻng lọ mọ ở bãi sân sau. Mấy lần tôi đi ngang, thấy nó một mình xắn tay áo xúc đất, tôi cũng chạy lại phụ. Thấy tôi giúp, nó cảm ơn rối rít. Công việc đơn giản nhưng nhọc, phụ nó được vài bữa tôi đâm nản, phần vì tôi lười, phần vì thấy cái trò này vô ích quá, chắc gì đã sửa được mà phải bỏ công ra như thế. Thế là tôi kệ nó luôn. Nó không than một tiếng nào, vẫn kiên nhẫn tiếp tục công việc.

***

Hóa ra thằng Tèo có khiếu nông nghiệp thật. Không hiểu nó cày cuốc thế nào mà chừng hai tháng sau, cái khu đất ấy giờ trông phẳng phiu, đẹp mắt hết sức. Tèo còn trồng cỏ khắp mặt sân, trông hệt như một sân bóng thứ thiệt. Cái hôm thấy thành quả của nó, tôi không tin nổi vào mắt mình. Thấy nó đang lụi cụi làm gì đó ở góc sân, tôi chạy lại khoác vai:

– Trời ơi! Mày làm được rồi! Mày giỏi quá!
– Có gì đâu. Cảm ơn mày! – Nó cười toe – Trong lúc chờ cỏ mọc thì tao sẽ làm khung thành với khu kỹ thuật. Mày giúp tao không?
– Giúp!

Tôi gật đầu và mấy hôm sau, tôi cùng nó chạy khắp làng xin vài cái lưới đánh cá, vài tấm bạt và vài cây gỗ bỏ đi. Cứ hết giờ học là hai đứa lại chạy ra cái sân dựng khung thành. Học sinh trong trường thấy vậy cũng hào hứng nhào vào giúp sức, càng ngày càng đông. Công việc nhờ thế mà hoàn thành nhanh chóng. Hôm đó, cả đám bày trò khoác vai nhau hát: “Cái sân bóng là sân của chúng ta. Công khó chúng ta làm ra …” vang cả một vùng, vui ơi là vui!

Kể từ đó, sân bóng của chúng tôi thu hút hàng trăm học sinh tham gia vào các trận bóng nảy lửa. Dần dần danh tiếng của nó lan ra khắp làng. Các học sinh trường khác, trước đây vốn toàn phải đá trong sân nhà, cũng lũ lượt kéo đến góp vui. Thằng Tèo sắm vai quản lý sân nên nó bận túi bụi, lúc nào cũng thấy nó kè kè bên cạnh cuốn sổ tính toán sắp xếp giờ giấc. Thấy nó cực quá, tôi khuyên nó thu tiền các đội bóng để đền bù công sức, nó gạt phắt:

– Thôi mày ơi, học sinh với nhau ai làm thế. Với lại cứ để tụi nó đá, thỉnh thoảng tao chạy vào đá chung là vui lắm rồi! – rồi nó vỗ vai tôi – Tụi bây muốn trả công thì lâu lâu dẫn tao đi cà phê hay ăn uống là được.

Tiền mà chê, cái thằng ngộ thật!

***

Thằng Tèo quản lý sân bóng được ít lâu thì bị điều lên phòng ban giám hiệu. Tôi thì cứ chắc mẩm nó được gọi lên để khen thưởng, ngờ đâu lúc về lớp mặt nó bí xị như bị thằn lằn ị trúng mặt, tôi hỏi gì cũng không nói. Thấy nó ngồi trong lớp như người mất hồn, tôi thắc mắc quá chừng, nên trống vừa đánh là tôi níu ngay nó lại, quyết hỏi cho ra lẽ:

– Mày bị cái gì vậy?
– Gì đâu.
– Xạo.

Nó ngước lên nhìn tôi, rồi lại cúi xuống thở dài, đoạn xách cặp đi thẳng ra cửa. Tôi vội chạy theo. Hóa ra nó vẫn đi tới sân bóng như thường lệ. Trên sân, lớp thằng Té và thằng Tẩn đang thi đấu. Tèo ngồi bệt xuống đường biên, mắt dõi theo trái bóng đang nhảy từ đôi chân này sang đôi chân khác trên cỏ. Tôi ngồi xuống cạnh nó, hỏi:

– Kể tao nghe đi, chuyện gì vậy?

Nó quay sang nhìn tôi, rồi lại nhìn ra sân bóng:

– Ngày mai trường tịch thu cái sân.
– Cái gì? Sao lại tịch thu? – Tôi hoảng hốt.
– Thầy hiệu trưởng bảo muốn dùng cái sân cho người lớn thuê đá bóng để tăng thu nhập cho trường.
– Người lớn nào mà đá?
– Nghe bảo là thầy cô và công nhân viên trường mình và trường khác.
– Thấy họ đá bao giờ đâu?
– Không biết.
– Nhưng vậy học sinh mình vẫn được đá chứ?
– Không. Thầy bảo con nít tụi mình đá sẽ hư sân. Sân bóng đẹp vậy chỉ để người lớn đá thôi.
– Nhưng cái sân là do mày làm mà.
– Ừ.

Thằng Tèo trông như sắp bật khóc, nhìn mặt nó dám người ta tưởng rằng tận thế tới nơi. Nhìn nó buồn bã vậy, tôi thấy áy náy quá nhưng không biết an ủi nó thế nào. Hai đứa cứ ngồi cạnh nhau im re suốt nửa tiếng đồng hồ. Sau cùng, tôi lên tiếng:

– Thôi mày đừng nên buồn quá, dù sao đó cũng là giúp các thầy cô, mày nên nghĩ tới công lao của họ dạy dỗ mình.
– Rồi ai nghĩ cho tao?
– Mình còn nhỏ, họ là người lớn, nhớ không?
– Tao làm cái sân để đem lại niềm vui cho học sinh tụi mình, không phải để kiếm tiền cho trường.
– Mày cứng đầu quá! Thầy hiệu trưởng đã quyết định vậy rồi, mình không nghe cũng không được.
– Mày về đi.

Tèo đuổi tôi. Tôi hiểu nó không có ác ý gì nhưng đúng là lúc này, nó cần được ở một mình để bình tĩnh lại. Rõ ràng chuyện này là một cú sốc với nó. Tôi đứng dậy, đặt tay lên vai thằng Tèo:

– Ừ tao về! Đừng buồn nữa nha cu!

Nó gật đầu không đáp. Tôi thở dài và quay bước đi.

***

Quyết định bỏ về của tôi quả thật sai lầm. Nếu lúc đó tôi ở lại, chịu khó khuyên giải Tèo, nó đã không làm cái chuyện tày trời.

Sáng hôm sau, tôi vừa bước chân vào cổng đã thấy ở chỗ sân bóng một đám đông láo nháo. Cả mấy chục đứa Sao Vàng (đó là đội học sinh giữ kỷ luật của trường tôi) cùng năm, sáu thầy cô đang tiến về phía căn lều bạt mà tôi và thằng Tèo dựng làm khu kỹ thuật. Một số học sinh hiếu kỳ đứng xung quanh chỉ trỏ. Tôi còn chưa hiểu đầu cua tai nheo thế nào thì một thầy cầm chiếc loa xách tay nói to:

– Tèo ơi, ra đi em. Thầy không muốn các bạn Sao Vàng phải chạy vào đưa em ra đâu đấy!

Đáp lại chỉ có sự im lặng từ phía cái lều. Mấy đứa Sao Vàng trông có vẻ sốt ruột, tay cứ cầm cái gậy nhỏ huơ huơ. Giờ tôi mới để ý đứa nào cũng cầm một cái gậy như thế. Bình thường có thấy tụi nó cầm đâu, tự nhiên hôm nay đổi mới, ngộ thật.

Ông thầy nọ có vẻ cũng đang dần mất kiên nhẫn. Ổng đưa cánh tay lên cao và chìa ngón giữa ra:

– Thầy đếm tới ba. Một …

Tụi Sao Vàng lập tức chỉnh đốn tư thế, lăm le chạy vào sân. Đứa nào đứa nấy trông ngầu hệt như chiến sĩ sắp xông pha ra giữa trận mạc.

– … Hai. Các trò vào đi!

Tức thì mấy đứa Sao Vàng ùa tới. Tôi há hốc miệng khi thấy thằng Tèo thò đầu ra khỏi lều, tay nắm chặt vài cục đất. Tôi còn chưa kịp khép mồm lại thì nó đã giơ tay ném thẳng vào mấy đứa Sao Vàng đang chạy tới, làm tụi nó ngã dúi dụi. Chưa hết, không biết từ đâu nó lôi ra một đống banh da, liên tục tung chân sút. Chắc các bạn đã biết tài đá bóng của Tèo. Mấy trái bóng bay như đạn xé. Vài đứa Sao Vàng lãnh nguyên một trái bóng vào mặt, lăn ra bất tỉnh. Một ông thầy bị sút bóng vào bụng, ngã xoạch xuống đất và giãy đành đạch, cực kỳ đau đớn. Thằng Tèo đang chiến đấu bảo vệ cái sân của nó, cái sân nó dồn công sức và tâm huyết để tạo ra. Tôi không thể ngờ nó dám chống lại nhà trường như thế.

Sức người có hạn, lượng bóng cũng có hạn, cuối cùng tụi Sao Vàng cũng tóm được Tèo. Ngay lúc đó, tiếng trống vào học vang lên và giải tán luôn đám đông hiếu kỳ vẫn còn tụ tập gần sân bóng hỏi han sự việc. Tôi ngồi học mà lo cho thằng Tèo quá, ngay cả thằng ngốc cũng biết tội của thằng Tèo tày đình thế nào.

Hôm sau mọi chuyện còn tệ hơn. Tôi đến trường và thấy học sinh lại bu đông ở chỗ sân bóng. Tôi cố chen vào. Thấy cảnh tượng trước mắt, tôi như bật ngửa ra đằng sau. Cái lều-khu-kỹ-thuật tôi và thằng Tèo dựng đã bị phá tan tành, tấm bạt rách bươm, bàn ghế bên trong thì gãy nát. Tôi chưa kịp định thần thì từ loa phóng thanh, ban giám hiệu nhà trường phát thông báo rộng rãi về sự nghiêm trọng và nguy hiểm của hành vi thằng Tèo, nguy cơ nó bị đuổi học rất cao.

Thiệt là may, số thằng Tèo chưa tệ như số con rệp. Công đầu nhờ thằng Tít, trưởng ban báo chí nhà trường. Với tài năng đánh hơi bẩm sinh của mình, nó phát hành ngay một số báo đặc biệt, trong đó nêu rõ nguyên nhân dẫn đến hành vi nông nổi của thằng Tèo. Tít viết hệt như những gì thằng Tèo đã kể với tôi, rằng thằng Tèo làm vậy chỉ vì muốn giữ lại sân bóng cho học sinh chúng tôi. Bài viết của Tít đã đưa làn sóng ủng hộ thằng Tèo lan ra toàn trường, thậm chí học sinh các trường khác. Không ngạc nhiên khi sau đó nhiều thầy cô vào lớp giảng bài mà mặt mày ngó hình sự như thám tử đi tra vấn tội phạm vậy.

Thằng Tít làm báo giỏi, nhưng nhiều khi nó cũng đăng tin lẫn lộn, chẳng biết đường nào mà lần. Mới hôm trước nó mới đăng một bài phỏng vấn thầy trưởng ban kỷ luật, rằng “cái lều bị phá vì đó là nơi học sinh vô kỷ luật lẩn trốn”; ngay hôm sau nó lại trích câu bình luận của thầy Cán bộ Đoàn rằng “không biết ai phá cái lều”, mặc dù chính thầy đã cử đội Sao Vàng túc trực ở sân. Nhìn chung học sinh nào cũng bức xúc trước những câu trả lời mập mờ của các thầy. Đỉnh điểm của sự tranh cãi là khi thằng Tít quyết định phỏng vấn thầy phó hiệu trưởng.

– Xin thầy cho biết ai đã phá căn lều ở sân bóng ạ?
– Do các học sinh bất bình trước hành vi vô kỷ luật của trò Tèo nên vào phá thôi.
– Thưa, sao thầy biết được thông tin này ạ?
– Hôm đó thầy có việc bận, phải ở lại trường muộn. Đang viết báo cáo thì cúp điện, thầy ra ngoài sân trường hóng mát thì thấy một toán học sinh cầm búa, gậy vào phá lều. Trời không trăng, đèn không sáng nên thầy trông thấy rõ mồn một.
– Thầy có bình luận gì về việc này không ạ?
– Thầy nghĩ các bạn học sinh không nên bức xúc như thế.
– Xin cảm ơn thầy!

Quả thật, đọc bài báo đó xong, học sinh đứa nào đứa nấy tức anh ách, tự nhiên mang vào mình cái án tình nghi phá lều. Làn sóng ủng hộ thằng Tèo ngày càng dữ dội hơn, ngày càng nhiều học sinh, thậm chí cả phụ huynh của chúng, bày tỏ thái độ bất bình với mấy thầy trong ban giám hiệu. Bây giờ đi đâu, tôi cũng nghe tụi học sinh bàn bạc về chuyện của thằng Tèo.

Đang lúc nước sôi lửa bỏng thì thằng Tít thả một quả bom: vài đứa Sao Vàng tiết lộ các thầy giám hiệu đã yêu cầu tụi nó vào phá căn lều, với lý do rằng có thể thằng Tèo còn giấu những vật dụng nguy hiểm trong đấy. Bài báo của thằng Tít đẩy sự phẫn nộ của học sinh, của tôi nữa, lên đỉnh điểm. Nhiều đứa công khai bày tỏ sự chống đối trên các diễn đàn, trên mạng xã hội. Bản thân tôi thật không thể ngờ các thầy lại hành động như thế.

Sự việc đến tai ông trưởng làng. Theo như thằng Tít thì ông ấy đã quyết định can thiệp phân rõ đúng sai vụ thằng Tèo. Nó còn khoe chính ông đã cho nó quyền tự do đăng tin về vụ việc này, dù trước đây ông hay cấm nó đăng tin bậy bạ. Tôi thấy khâm phục ông trưởng làng hết mức. Đã bận trăm công nghìn việc, ông cũng bỏ tí thời gian chú ý đến cái sự lùm xùm nhỏ xíu ở trường tôi. Nghe đâu cuối tháng này ông sẽ đích thân tới trường, mở một cuộc họp với toàn bộ học sinh để phân giải sự việc. Tụi học sinh nghe tin thì mừng phải biết, đứa nào cũng kỳ vọng vào sự anh minh của trưởng làng. Lần đầu tiên sau chuyện dự án đóng thuyền cho các đôi trong ngày Valentine của trưởng làng bị phá sản, uy tín của ông mới tăng cao như vậy. Tất cả mọi người đều tin tưởng, với đầu óc sáng suốt của mình, ông trưởng làng sẽ không để thằng Tèo bị thiệt.

***

Ngày quyết định rồi cũng tới. Ông trưởng làng xuất hiện ở trường tôi và ngồi vào chiếc ghế cao nhất của cuộc họp. Tôi thấy thằng Tèo ngồi co ro trên một chiếc ghế nhỏ ngay phía dưới bục cao của trưởng làng. Toàn bộ thầy cô và học sinh đều có mặt, ngoài ra còn có sự hiện diện của nhiều phụ huynh. Lần đầu tiên trong đời tôi tham gia một sự kiện với đông đảo người dân như vậy, bỗng dưng tôi thấy máu dồn lên não. Tôi đoán ai cũng vậy, tất cả đều hồi hộp chờ đợi quyết định của ông trưởng làng.

Thằng Tít được giao nhiệm vụ trình bày tổng quan về sự việc. Mỗi khi nó đọc đến các đoạn phỏng vấn các thầy trong ban giám hiệu thì đám học sinh lại thi nhau ồ lên, khiến ông trưởng làng nhiều lần phải ra dấu yêu cầu mọi người im lặng. Lúc đó tôi mới để ý, hóa ra ông trưởng làng không đi một mình mà cùng với hai người khác, theo bảng tên thì họ là những chuyên gia về nội quy trường học và đạo đức học sinh. Tôi khấp khởi mừng thầm, có được những chuyên gia tuyệt vời thế này thì thế nào thằng Tèo cũng thoát.

Sau khi đọc xong bản tổng kết, thằng Tít đưa lại cho ông trưởng làng, và cùng với hai vị chuyên gia nọ, ông nhíu mày đọc chăm chú. Cả trường im phăng phắc, không khí căng như dây đàn. Ai cũng hiểu đây là giây phút quyết định. Tôi liếc về phía thằng Tèo, mặt nó vẫn cúi gằm, chả bày tỏ cảm xúc gì. Tôi muốn chạy lại ngồi cùng nó quá mà không được.

– Thưa các thầy cô, quý phụ huynh và các học sinh thân mến…

Giọng ông trưởng làng lanh lảnh vang lên, hàng trăm cặp mắt không hẹn mà cùng tập trung ánh nhìn vào ông trưởng làng, lúc này đang đứng trên chiếc bục cao của ông.

– Việc nhà trường giao đất cho một học sinh sửa sang và quản lý quả thật chưa từng có trong quá khứ nên để chúng tôi đưa ra kết luận chính xác cũng hơi mất thời gian, chân thành xin lỗi mọi người. Nhưng bây giờ chúng tôi đã cùng nhau đi đến kết luận chính xác cuối cùng.

Tiếng vỗ tay rào rào vang lên.

– Việc ban giám hiệu nhà trường quyết định tịch thu sân bóng là một quyết định chưa đúng. Em Tèo là người đã đầu tư nhiều công sức cải tạo sân, tạo ra sân chơi lành mạnh cho bạn bè, điều đó thực đáng hoan nghênh. Các thầy lại muốn dùng cái sân ấy để tăng thu nhập cho trường, như thế là chưa đúng. Các thầy lại chỉ đạo tổ Sao Vàng cưỡng chế và bắt giữ em Tèo, khiến em phải phản ứng bằng hành vi chưa đúng. Hơn thế nữa, theo lời đã được kiểm chứng của một số bạn Sao Vàng thì một số thầy trong ban giám hiệu lại còn yêu cầu các em ấy phá căn lều của em Tèo, như thế lại càng chưa đúng. Chung quy lại, tôi nhận thấy rằng tất cả các quyết định và hành vi của các thầy cô trong vụ việc này đều chưa đúng cả.

Cả trường bùng nổ trong tiếng vỗ tay và hò reo vui sướng. Tôi đập hai tay mình mạnh đến nỗi cảm thấy bỏng rát, chưa bao giờ tôi thấy hưng phấn đến vậy. Lúc Công Vinh ghi bàn đưa đội tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch, người ta cũng chỉ mừng rỡ đến thế này là cùng!

– Qua các kết luận như vậy, tôi yêu cầu các thầy các cô có liên quan: thầy này, thầy này, cô này, cô này, thầy này, thầy này, cô này, cô này … Tóm lại là các thầy cô đã ra quyết định chưa đúng hoặc có liên quan, phải nghiêm túc kiểm điểm, nhận lỗi và rút kinh nghiệm sâu sắc trước khi tiếp tục công tác của mình. Tôi mong các thầy cô nghiêm túc thực thi, tôi sẽ cho người đến kiểm tra, nếu không chấp hành hoặc có hành vi chưa đúng sẽ nghiêm túc xử phạt.

Học sinh hò reo, các thầy cô thì cúi mặt. Có vẻ họ đã hối lỗi lắm rồi, tôi thầm nghĩ. Ông trưởng làng lại ra dấu cho mọi người im lặng, và tiếp tục bài nói của ông:

– Riêng trò Tèo, tôi rất thông cảm cho hành động của em, nhưng dù sao tấn công bạn bè và thầy cô cũng là điều chưa đúng. Vì thế, tôi yêu cầu ban kỷ luật nhà trường cũng xem xét nghiêm túc trường hợp của em Tèo để làm gương cho các học sinh khác. Tất cả các quyết định hôm nay của tôi sẽ được thực thi ngay lập tức khi buổi họp này kết thúc. Xin cảm ơn mọi người đã lắng nghe.

Ông trưởng làng cúi chào mọi người rồi bước xuống khỏi bục cao. Tiếng vỗ tay lại ầm ầm vang lên, đâu đó vọng tiếng hô “Trưởng làng! Trưởng làng!” đầy khí thế. Khắp nơi người ta rì rào ca ngợi sự sáng suốt của ông trưởng làng, xử đúng người đúng tội và cũng vô cùng nghiêm minh. Rồi người ta lại chuyển sang ca ngợi sự sáng suốt của nhau khi đã cùng chọn ra được một vị lãnh đạo tuyệt vời đến như vậy. Ôi thôi thì đám đông mà, bạn có thể nghe được đủ thứ chuyện thú vị và hay ho. Nhưng có vẻ như, chả ai nhớ đến thằng Tèo. Nghĩ đến đó, tôi nhớ ra nó.

Thoát ra khỏi những câu chuyện của đám đông, tôi đi tìm thằng Tèo. Nó đã không còn ngồi ở cái ghế dưới bục cao nữa. Nó chạy đi đâu vậy cà, tôi tự hỏi, và lao mình vào đám đông đi tìm nó.

Cho đến khi người ta ra về hết, tôi vẫn chẳng thấy bóng dáng của Tèo. Quái cái thằng, chạy đi đâu mà nhanh hết biết, siêu sao sân cỏ có khác!

13.02.2012
Alext

10 bình luận về “Chuyện thằng Tèo

  1. khi xưa có lần từng đọc blog N, từ hồi 360 lận. thấy viết hay, muốn đọc lại nhưng nạn loạn lạc blog, không biết đã dời nhà đi đâu, không biết tìm ở đâu. giờ N còn viết không nhỉ?

Gửi phản hồi cho drizzle201 Hủy trả lời